LÝ LUẬN - BÀI VIẾT
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hòa bình của nhân dân Hà Nội - Việt Nam.
Đối với những người làm công tác đối ngoại của thành phố Hà Nội, đây còn là một kỷ niệm khó quên, một trong những nhiệm vụ và thành tựu đối ngoại lớn đầu tiên, đạt được ngay sau khi cơ quan Sở Ngoại vụ Hà Nội chính thức thành lập một thời gian ngắn (17/12/1996).
Giải thưởng Thành phố vì hòa bình được nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor tuyên bố tại Hội nghị các thành phố HABITAT II tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 6/1996; được Đại hội đồng UNESCO khóa 29 thông qua vào cuối năm 1997. Giải thưởng được trao hai năm một lần cho 5 thành phố tiêu biểu đại diện cho 05 khu vực: châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông - Arab, châu Mỹ Latin - Caribbean và châu Âu. Tiêu chí giải thưởng phải là thành phố có thành tích tiêu biểu về các lĩnh vực như: thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái. Cho tới thời điểm kết thúc (năm 2005) chỉ có 21 thành phố trên thế giới được vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.
Cuối năm 1998, khi nhận được thông báo của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã kiến nghị với thành phố Hà Nội tham gia ứng cử Giải thưởng Thành phố vì hòa bình vào đầu năm 1999. Mặc dù xét thấy tiêu chí của giải thưởng rất cao, nhưng Hà Nội khi ấy đặt quyết tâm cao, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng đề án, kế hoạch tham gia ứng cử, trình Chính phủ phê duyệt. Sở Ngoại vụ được Thường trực Thành ủy và UBND thành phố, giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan lên kế hoạch thực hiện đề án, tham mưu cho Thành phố.
Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, tập thể lãnh đạo và cán bộ Sở Ngoại vụ đã dốc sức triển khai nhiệm vụ được phân công. Cũng phải mất cả năm, hồ sơ mới hoàn thành và gửi đi trong sự hồi hộp, thêm chút lo lắng. Những người làm công tác đối ngoại nhận định rõ Thành phố Hà Nội tham gia tranh cử Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì hòa bình trong bối cảnh đất nước có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn. Công cuộc đổi mới của đất nước đã thu được thành tựu quan trọng về các mặt; Việt Nam đã gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ký Hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tình hình quốc tế khi đó có nơi còn căng thẳng và phức tạp, Mỹ và NATO tiến hành không kích Kosovo (Nam Tư cũ) tạo làn sóng phản đối chiến tranh trên thế giới. Tổ chức UNESCO gặp khó khăn về tài chính và bất đồng chính trị do việc Mỹ và một số nước rút khỏi UNESCO từ trước đó.Với Hà Nội, công cuộc xây dựng kiến thiết Thủ đô đã đạt những thành tựu nhất định; tuy nhiên, bên cạnh đó Thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như: đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, đường giao thông, thực hiện đô thị hóa và giải quyết các vấn đề về nhà ở, môi trường, tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội,... Ngoài ra, Hà Nội còn gặp trở ngại hết sức quan trọng đó là có rất đông các nước tham gia tranh cử Giải thưởng năm 1998 - 1999, với 70 hồ sơ ứng cử (riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 10 ứng cử viên là Việt Nam, Philippines, Australia, New Zealand, Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Hàn Quốc).
Thư và hồ sơ của Việt Nam gửi UNESCO năm 1999. |
Trong quá trình tranh cử, các nước tham gia rất tích cực vận động sự ủng hộ cho ứng cử viên nước mình. Vì vậy, việc tranh cử của Hà Nội cần phải tiến hành hết sức bài bản, khoa học, vừa kế hoạch, vừa linh hoạt, khéo léo. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao và thành phố Hà Nội tiến hành gặp gỡ, vận động các nước thông qua các đại sứ quán tại Hà Nội; tích cực hưởng ứng hoạt động Năm văn hóa hòa bình của UNESCO, chọn Hà Nội là nơi phát động Năm quốc tế văn hóa hòa bình và Thập kỷ quốc tế về văn hóa hòa bình phi bạo lực và vì trẻ em trên thế giới. Ở nước ngoài, phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh UNESCO lúc đó đã tập trung vận động các cơ quan, tổ chức trong UNESCO và bạn bè quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của họ dành cho Việt Nam, thông qua việc trình bày với bạn bè quốc tế về bản chất và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, về truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội và về những cố gắng to lớn của Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô về các mặt sau mấy chục năm chiến tranh. Những chuyến công tác của lãnh đạo Thành phố do Sở Ngoại vụ tham mưu vào thời điểm đó đi Paris, Moscow… đều được lồng ghép những nội dung vận động để tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn cho giải thưởng này. Đặc biệt, phải kể đến đoàn công tác trực tiếp đi vận động có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Dy Niên, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBQG UNESCO Việt Nam, đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Đối ngoại – UNESCO kiêm Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam, các cán bộ của Vụ Văn hóa, Đối ngoại – UNESCO và Sở Ngoại vụ Hà Nội.
Đối diện với những khó khăn khách quan, nhưng những cán bộ ngoại vụ tham gia trực tiếp quá trình xây dựng hồ sơ và vận động cũng luôn giữ vững niềm tin và tự hào bởi hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ nhất những “giá trị nội tại” của thành phố Hà Nội. Trong hồ sơ ứng cử, phần giới thiệu sơ lược về Thủ đô Hà Nội có đoạn: “Trải qua những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng nặng nề của những cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Vì vậy, Hà Nội là Thủ đô của một trong những nước nghèo đói và lạc hậu nhất trên thế giới vào năm 1975. Mặc dù vậy, từ năm 1986, khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, xúc tiến thương mại và mở cửa để hội nhập với thế giới, người Hà Nội, với sự nỗ lực và năng động của mình, đã đem đến sự đổi thay vượt bậc cho thành phố thân yêu. Hà Nội đã chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội các nước nói tiếng Pháp vào tháng 11/1997 và Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 12/1998. Nhân dịp này, các lãnh đạo cấp cao và bạn bè quốc tế từ nhiều nước đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến một Hà Nội xanh, sạch, đẹp và yên bình, đặc biệt sự thân thiện, nồng ấm và nhiệt thành của người dân Hà Nội. Với lịch sử và những thành tựu cụ thể, Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện để đăng ký “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình UNESCO”.
Thông báo của UNESCO tên các thành phố được giải thưởng Thành phố Vì hòa bình ngày 9/7/1999. |
Niềm vui vỡ òa vào ngày 9/7/1999, khi tại Paris, UNESCO công bố: “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình 1998-1999” sẽ được Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor trao tặng cho các thành phố: Delft (Hà Lan), Hà Nội (Việt Nam), Zuk Mikael (Lebanon), Quito (Ecuador) và Timbuktu (Mali) vào ngày 16-7-1999 tại La Paz (Bolivia).
Thông báo cũng chỉ rõ: “Vào năm 2000, hơn nửa số dân đang sống tại các thành phố. UNESCO nhận thức điều này trong chiến lược của mình và trong nhiệm vụ thường niên về đối thoại với các đối tác mới. Với việc tạo nên Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình, UNESCO muốn thúc đẩy mối quan hệ thân thiết với các thành phố, thị trưởng và các cán bộ của họ, những người sẽ đảm bảo việc thực thi hằng ngày chế độ dân chủ, quyền công dân và tất cả các giá trị và quyền mà UNESCO ủng hộ”.
Điều này cho thấy sự ghi nhận, một đánh giá chính thức của một tổ chức quốc tế lơn có uy tín đối với truyền thống yêu nước, khát vọng tự do, độc lập, hòa bình của toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Giải thưởng đến vào lúc Thủ đô đang chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ vậy, Hà Nội là thành phố đầu tiên và duy nhất của khu vực được bình chọn trong đợt này, nên niềm vui như được nhân lên gấp bội.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội lên đường đi La Paz ngày 14/7/1999 chỉ có 3 người: Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Quang Thư và đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Chuyến đi rất vất vả vì phải nối chuyến nhiều, đích đến là một thành phố cao nguyên nằm ở độ cao gần 4.000m so với mực nước biển nhưng mỗi thành viên đoàn đều vô cùng tự hào và phấn khởi. Lễ trao tặng giải thưởng đã được tổ chức long trọng tại một thánh đường ở Thủ đô La Paz, ngày 16/7/1999 với sự tham dự của nhiều quan chức quốc tế. Phần thưởng, ngoài giấy chứng nhận, còn có một biểu tượng Thành phố vì hòa bình và 25.000 USD.
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor đã đánh giá: “Thành phố Hà Nội có một quá trình lịch sử đầy ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tôn tạo các di tích, hỗ trợ giao lưu văn hóa – nghệ thuật, khuyến khích ngành nghề truyền thống, cải thiện dịch vụ y tế đối với người cao tuổi, bảo vệ môi trường và xây dựng các khu công viên cây xanh. Thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó là ưu tiên trong chính sách phát triển của mình. Thành phố Hà Nội thể hiện sự quan tâm mang tính nhân văn đối với những vấn đề khác nhau mà tất cả các thành phố hiện nay phải đối phó và thành phố cũng đang tiếp tục cố gắng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, cũng như hạ tầng xã hội, đặc biệt là cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 2,5 triệu người dân Thủ đô”.
Khoảnh khắc Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên thay mặt nhân dân Hà Nội lên nhận giải thưởng từ chính tay Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor cũng đồng thời là một trong những giây phút xúc động, hạnh phúc không tả xiết đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ ngành ngoại vụ thủ đô thời điểm đó. Đây không chỉ là thành tựu lớn của Thủ đô, của đất nước mà đồng thời cũng là một trong những dấu ấn, thành tựu không thể quên của cơ quan Sở Ngoại vụ Hà Nội, khi đó mới chính thức thành lập được 2 năm 8 tháng.
Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình; một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống Việt Nam, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Sau hơn 20 năm kể từ ngày nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, tiếp tục phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với gần 100 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước, vùng lãnh thổ; tham gia với trách nhiệm cao tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Nhìn lại quá trình thành phố Hà Nội nhận được giải thưởng “Thành phố vì hòa bình”, các cán bộ, công chức Sở Ngoại vụ Hà Nội thêm quyết tâm phát huy truyền thống, ý chí và khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, nâng tầm trí tuệ, chủ động, sáng tạo, nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn mới; góp phần xứng đáng xây dựng thủ đô Hà Nội thân yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
TS. Trần Nghĩa Hòa
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP Hà Nội
(Cán bộ tham gia xây dựng Hồ sơ Giải thưởng Thành phố vì hòa bình)