LÝ LUẬN - BÀI VIẾT

THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRIỂN KHAI ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI ĐẠI HỘI XIII: CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ NHIỆM VỤ
Ngày đăng 27/01/2022 | 2:46 PM  | View count: 1704

Với vinh dự và trọng trách là Thủ đô, trái tim của cả nước, trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, thành phố Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, cả trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc lẫn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đặc biệt, qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, hòa cùng dòng chảy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thủ đô Hà Nội đã và đang tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một đối tác hiệu quả, có trách nhiệm và một điểm đến an toàn, tin cậy của bạn bè quốc tế.

Thường trực Thành ủy Hà Nội tham dự Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng, ngày 14/12/2021 (Ảnh: Sở Ngoại vụ Hà Nội)

1. Những thành tựu đáng ghi nhận:

Nhìn lại lịch sử, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), với chủ trương đổi mới toàn diện của Đảng, công tác đối ngoại của thành phố Hà Nội đã có những bước chuyển mình tích cực. Từ chỗ phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ yếu là thủ đô của các nước xã hội chủ nghĩa nhằm tìm kiếm các nguồn lực viện trợ phát triển; đến đầu những năm 1990 của thế kỷ 20,  Hà Nội đã mở rộng kết nghĩa với nhiều thủ đô, thành phố lớn của các nước trên thế giới nhằm chủ động tìm kiếm đối tác về đầu tư, thương mại, thúc đẩy hợp tác về lao động, xây dựng đô thị, giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Thành phố đã tổ chức các đoàn công tác đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đào tạo cán bộ tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), vùng Ile-de-France (Pháp); tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát thị trường và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ La-tinh… Một số đơn vị hành chính, trường học, cơ sở kinh tế của Hà Nội cũng đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với địa phương, đơn vị của các nước. Năm 1997, Hà Nội đã phối hợp với Trung ương đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ. Đến năm 1999, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và là Thủ đô duy nhất đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua mở rộng quan hệ quốc tế, kinh tế đối ngoại của Thủ đô cũng đạt được những tiến bộ đáng kể: kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1986-1996 tăng bình quân hơn 9%/năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội tăng từ 48 triệu USD vào năm 1989 lên 15 tỉ USD vào năm 1996, đứng thứ 2 trong cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội tăng nhanh, Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của khu vực và thế giới đã chọn đầu tư vào Hà Nội. Từ chỗ năm 1989 chỉ có 4 dự án với số vốn đăng ký 48 triệu USD, đã tăng lên gần 12 lần về số dự án và 15 lần về số vốn trong 3 năm tiếp theo 1990 - 1992. Đặc biệt, vốn FDI của Hà Nội năm 1995 là 1.058 triệu USD và năm 1996 là 2.641 triệu USD, đưa tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội lên tới gần 15 tỷ USD vào năm 1996.

Bước sang thế kỷ 21, cùng với vị thế ngày càng đi lên của Việt Nam trên trường quốc tế, Thủ đô Hà Nội đã để lại những dấu ấn đậm nét trong công tác đối ngoại nhà nước khi vinh dự là chủ nhà của nhiều sự kiện quốc tế lớn mà lần đầu tiên được Việt Nam đăng cai như: Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á SEA Games 22 (2003); Hội nghị cấp cao Á - Âu ASEM lần thứ 5 (2004); Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC (2006), Năm ASEAN Việt Nam (2010), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (năm 2019)... Năm 2005, lần đầu tiên Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 1,58 tỷ USD với 166 dự án. Tính chung giai đoạn 1989-2005, Thành phố đã thu hút được 796 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 10,9 tỷ USD, trung bình mỗi năm thu hút đạt 644 triệu USD.

Lễ kỉ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”
(Ảnh: Sở Ngoại vụ Hà Nội)

Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới. Không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia mà Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở của 98 đại sứ quán và văn phòng tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Với những lợi thế riêng có này, công tác đối ngoại của Thủ đô đã không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu tích cực.

- Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, khi hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, công tác đối ngoại của Thủ đô Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá, hòa mình vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập mang lại. Đến nay, Hà Nội có quan hệ giao lưu hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố, vùng địa phương các nước. Với trọng tâm đối ngoại của Đảng và Trung ương về đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đưa các quan hệ hợp tác đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ với các đối tác láng giềng hữu nghị truyền thống (Lào, Campuchia, Trung Quốc), các nước ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Philippines), các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đang có đà phát triển thuận lợi (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và một số nước EU…) và các đối tác tiềm năng khác. Hàng năm, thành phố Hà Nội đã đón tiếp trên dưới 200 đoàn khách quốc tế thăm và làm việc với Thành phố cũng như duy trì các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp.

Cùng với đó, Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức liên đô thị quốc tế lớn: Mạng lưới các Thành phố thông minh ASEAN (ASCN), Hiệp hội Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), Mạng lưới Chính quyền địa phương quản lý dân cư (CityNet) và mới đây nhất là Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO… Thông qua mạng lưới quan hệ rộng mở, Thành phố có cơ hội trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế nhằm thu hút thêm nguồn lực đầu tư phát triển, đồng thời, góp phần khẳng định và nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế.

- Đối ngoại kinh tế là trụ cột chính, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Thủ đô. Nhờ nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Nếu giai đoạn 2006-2015 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội (tổng vốn đăng ký đạt 16,26 tỷ USD, trung bình mỗi năm thu hút 1,626 tỷ USD) thì giai đoạn 5 năm kế tiếp ghi nhận những đột phá ấn tượng của kinh tế đối ngoại Thủ đô. Từ năm 2016 đến 2020, Thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI, đồng thời, liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI trong 2 năm 2018-2019 (vốn đăng ký tương ứng 7,5 tỷ USD và 8,669 tỷ USD). Hàng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% vào GDP của Thành phố. Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội, trong đó: Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư đăng ký (11,2 tỷ USD); thứ 2 là Singapore (8,04 tỷ USD); sau đó là Hồng Kông - Trung Quốc (6,38 tỷ USD) và Hàn Quốc (6,25 tỷ USD). Năm 2021, Hà Nội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt được hơn 1,5 tỉ USD, đứng thứ 6 toàn quốc.

Ngày càng nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư hợp tác của mình tại Hà Nội như Sumimoto, Nidec, AEON (Nhật Bản), Gamuda (Malaysia), Lotte, Daewoo (Hàn Quốc)… là minh chứng cho thấy môi trường đầu tư và chính sách của Thành phố đã được cải thiện, phát huy hiệu quả tốt, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế.

Các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, sự kiện Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tổ chức tại các thị trường nước ngoài cho thấy nỗ lực đổi mới, sáng tạo để sản phẩm hàng hóa chất lượng của Hà Nội đến được với thị trường thế giới.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2019, Thành phố đã đón gần 29 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7,1 triệu lượt khách quốc tế. Liên tục nhiều năm, Hà Nội được các chuyên trang du lịch quốc tín uy tín như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG), giải thưởng World Travel Awards… bình chọn là điểm đến hàng đầu của khu vực, châu lục và thế giới (năm 2021, được bình chọn vào top 100 điểm đến tuyệt nhất thế giới của Tạp chí Time và top 10 điểm đến châu Á của trang TripAdvisor).

- Công tác ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân được triển khai phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác. Đáng chú ý, dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao nhân dân được tạo dựng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), với sự cố gắng nỗ lực trong công tác ngoại giao của Hà Nội, Ủy ban Di sản Văn hóa thế giới (UNESCO) đã công nhận khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể; 82 bia đá các Khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779) tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội đã được Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Nhiều sự kiện văn hóa đối ngoại lớn, các chương trình “Những ngày Hà Nội” được tổ chức thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Matxcova (Nga), Paris và Toulouse (Pháp), Fukuoka (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Roma (Italia), Geneva (Thụy Sĩ)… Cùng với đó, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế thường xuyên được tổ chức tại Hà Nội, nhất là các dịp chào mừng kỉ niệm năm tròn, năm chẵn trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Thành phố cũng đã nỗ lực đưa khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trở thành một không gian văn hóa đa sắc màu, là nơi để người dân Thủ đô tận hưởng các giá trị văn hóa - tinh thần đặc sắc mỗi dịp cuối tuần mà còn tạo điều kiện tăng cường giao lưu, nâng cao sự hiểu biết, tin cậy và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới (Trong năm 2019, riêng tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Thành phố đã phối hợp, tổ chức thành công 215 sự kiện, chương trình văn hóa, thể thao, trong đó có 28 sự kiện quốc tế của các Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam). Qua đó đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của Hà Nội, từng bước lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu đầy tự hào: Thành phố Vì hòa bình.

Có thể nói, xuyên suốt quá trình Đổi mới, trải qua 8 kỳ đại hội Đảng bộ (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ Thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại với nguyên tắc cốt lõi “...độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định...”, bên cạnh đó, đối ngoại Hà Nội đã linh hoạt và chủ động phát huy lợi thế, tiềm năng của mình để tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển.

Đô thị Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau 35 năm Đổi mới (Ảnh: Vũ Long)

2. Đối ngoại Thủ đô trong giai đoạn mới: cơ hội và thách thức

Bước sang một giai đoạn phát triển mới, chúng ta đứng trước môi trường quốc tế với không ít thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội. Đại dịch COVID-19 tuy vẫn diễn biến phức tạp và khó lường nhưng đang dần được kiểm soát tại nhiều nước trong đó có Việt Nam. Kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng hồi phục. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện, tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra cho Việt Nam và thủ đô Hà Nội nhiều cơ hội cũng như thách thức. Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế số diễn ra rộng khắp, sâu sắc và nhanh chóng hơn tại Việt Nam. Chuyển đổi số giúp tiến trình hội nhập quốc tế diễn ra thuận lợi hơn thông qua việc tăng cơ hội tiếp cận các thị trường mới, cũng như quá trình chuyển giao tri thức và công nghệ. Việc tham gia vào thị trường quốc tế sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh gắn với công nghệ số nhiều hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Định hướng của Đảng ta về công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đã có cập nhật, bổ sung để kịp thời thay đổi, thích ứng và tạo đột phá trong điều kiện mới. Đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/08/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 hay Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chính sách, chủ trương chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Do đó, công tác đối ngoại địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế và đất nước, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững. Thực tiễn cũng cho thấy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước.

Với nhận thức đó, trên cơ sở kế thừa và phát huy đường lối đối ngoại những nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”. Cụ thể hóa chủ trương đó, Thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương với những nội dung cơ bản sau:

Một là, Đẩy mạnh toàn diện công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Đối ngoại Thủ đô được triển khai trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị; trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ cấp Thành phố mà các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô cùng tham gia xúc tiến, thúc đẩy hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế tùy thuộc nhu cầu, khả năng, tiềm năng lợi thế của từng cơ quan, đơn vị. Có như vậy, hội nhập quốc tế của Thủ đô mới thật sự sâu rộng, bền vững, lợi ích của hội nhập mới được lan tỏa và tạo thành động lực cho sự phát triển của Thủ đô và cả nước.

Hai là, Tiếp tục củng cố và mở rộng có hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa Hà Nội với các thủ đô, thành phố, vùng địa phương của các nước và các tổ chức quốc tế. Trong đó, tập trung thúc đẩy quan hệ với các đối tác láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; thủ đô và thành phố của các nước là đối tác chiến lược và bạn bè truyền thống của Việt Nam, các nước phát triển, các nước giàu tiềm năng khác trên nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau, hai bên cùng có lợi và mang tính thực chất. Ưu tiên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận, cam kết đã xác lập với các đối tác, song song với tìm kiếm và mở rộng các cơ hội hợp tác mới một cách phù hợp, có chọn lọc.

Ba là, Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương phù hợp với đặc thù của Thủ đô. Việc tham gia vào các diễn đàn, cơ chế liên đô thị quốc tế trở thành yêu cầu và nhu cầu tất yếu đối với các thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng để tham gia một cách có hiệu quả trong khuôn khổ nguồn lực có hạn của cấp địa phương, cần thiết có sự chọn lọc, ưu tiên thứ tự các cơ chế phù hợp dựa trên mục tiêu, định hướng phát triển của Thành phố, khả năng đóng góp cho những hợp tác sau này. Và hơn hết, hoạt động đa phương tích cực, hiệu quả của Hà Nội sẽ góp phần trợ lực cho mục tiêu nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam được nêu trong Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: Sở Ngoại vụ Hà Nội)

Bốn là, Đẩy mạnh đối ngoại kinh tế để phục vụ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống. Đối ngoại kinh tế đối với Hà Nội được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các lĩnh vực kinh tế - phát triển từ đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch cho đến đô thị, môi trường, chính quyền điện tử - thành phố thông minh. Trong hợp tác với các đối tác về kinh tế, luôn đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi - thực hiện tốt nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Năm là, Phát huy đối ngoại văn hoá, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, thành phố đổi mới và sáng tạo, tiến tới đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu quốc tế, đồng thời đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh Việt Nam và gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hiến của Thủ đô, từng bước tạo dựng bản sắc Hà Nội, biến đó trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô. Trong quá trình đó, Thành phố luôn mong muốn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trở thành những đại sứ văn hóa tham gia giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Hà Nội đến với bạn bè khắp năm châu.

***

Trong phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đại hội XIII tiếp tục đặt ra nhiệm vụ “nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế”, “phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh môi trường quốc tế đan xen cả thách thức lẫn cơ hội như hiện nay. Nhưng khi khó khăn tăng gấp đôi, thì chúng ta càng phải đoàn kết quyết tâm, nỗ lực gấp ba, gấp bốn lần để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Đúng như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là nền tảng vững chắc, tiền đề quan trọng để cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Thành phố Hà Nội đứng trước vận hội mới, đan xen cả cơ hội lẫn thách thức (Ảnh: Vũ Long)

Với phương châm xuyên suốt “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thành phố Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để mở rộng, nâng cao và phát huy hiệu quả công tác đối ngoại, huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè và đối tác quốc tế để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.

Trên chặng đường sắp tới, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, với sự tin yêu của cả nước, Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ bên ngoài thông qua công tác đối ngoại, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.