LÝ LUẬN - BÀI VIẾT

Cả nước hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Ngày đăng 05/07/2022 | 2:31 PM  | View count: 1440

Nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, sâu rộng khắp cả nước bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

Lịch sử và ý nghĩa to lớn của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình, nhiều người vợ, người mẹ mất đi cả chồng và các con.

Biết bao máu thịt của chiến sỹ đã để lại chiến trường những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng (Ảnh Báo điện tử Chính Phủ)

Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội. 

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ.

Hội nghị diễn ra với 2000 đại biểu từ khắp cả nước. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của mỗi nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các đồng chí thương binh và gia đình liệt sỹ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề về chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ (Ảnh minh họa)

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 là một ngày quan trọng và hết sức có ý nghĩa, không chỉ phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có thương binh, liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc mà qua đó còn động viên và phát huy truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. 

Các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc. Cùng thông qua đó tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc, phát huy tinh thần "gia đình cách mạng gương mẫu" góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.

Cả nước hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Để kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 31/5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ nhằm tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các cựu chiến binh tại tỉnh Điện Biên. (Ảnh: VPCTN)

Các hoạt động trọng tâm trong đợt kỷ niệm quan trọng này gồm: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 với khoảng 450 đại biểu người có công, các đại biểu được tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hoạt động này diễn từ ngày 22 - 24/7/2022 tại thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra còn có các hoạt động như: Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ sẽ diễn ra tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc vào tối 26/7; chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử tại 5 điểm cầu (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang, Quảng Nam); lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tại Nghệ An; lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân đại biểu người có công với cách mạng nhân kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sỹ, hồi tháng 7/2021. (Ảnh: TTXVN)

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng nhấn mạnh tới công tác thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại các địa phương và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

Tùy điều kiện cụ thể của các địa phương trên cả nước, các hoạt động tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.