TIN NỔI BẬT

6 dấu mốc trong 75 năm ngoại giao Việt Nam
Ngày đăng 01/09/2020 | 2:04 PM  | View count: 35080

Ngoại giao Việt Nam đã góp phần tạo nên những biến chuyển lớn của đất nước trong 6 giai đoạn suốt chiều dài lịch sử 75 năm. Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao Việt Nam được thành lập cùng sự ra đời của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ trưởng đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thành tựu của ngành ngoại giao được ghi nhận qua 6 dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước, theo Bộ Ngoại giao.

Giai đoạn từ 1945 đến 1954, trong bối cảnh kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, ngành ngoại giao đã đẩy mạnh đấu tranh chính trị, pháp lý, tranh thủ sự ủng hộ của của thế giới, thiết lập quan hệ với 10 nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), trong đó có Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ngoại giao đã thực hiện cuộc đấu trí tại cuộc đàm phán ở Geneve để đạt được Hiệp định Geneve, buộc Pháp và các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp phải rút hết quân về nam vĩ tuyến 17.

Giai đoạn 1954 đến 1975, khi Việt Nam xây dựng miền Bắc XHCN, Mỹ đã tìm cách thế chân Pháp, phá hoại Hiệp định Geneve, chính thức can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam, ngành ngoại giao đi đầu trong vận động Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác hỗ trợ, vận động nhân dân thế giới ủng hộ, kết hợp với chiến trường mở ra cục diện "vừa đánh vừa đàm", buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký vào đầu năm 1973. Mỹ cuối cùng phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh: BNGVN.

Giai đoạn từ 1975 đến 1986, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam ở vào tình thế vô cùng khó khăn, khi kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nặng nề sau những năm chiến tranh tàn khốc. Năm 1979, trên tinh thần đoàn kết, nhân đạo, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, nhà cầm quyền Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh biên giới; Mỹ và phương Tây bao vây, cô lập, cấm vận Việt Nam. Ngành ngoại giao đã tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất của các nước, tổ chức quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng chục nước, đề cao chính sách đối ngoại độc lập, yêu chuộng hòa bình.

Giai đoạn từ 1986 đến 1995, khi nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục bao vây, cấm vận Việt Nam, ngoại giao đã giữ vai trò tiên phong trong phá bao vây, cấm vận. Bộ Ngoại giao đã tham mưu Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 13 (5/1988), trong đó nêu ba hướng chiến lược mang tính bước ngoặt là chủ trương "thêm bạn bớt thù", đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Với một nền kinh tế tốt hơn, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công CNXH. Đây là kim chỉ nam cho ngoại giao trong thời kỳ Đổi mới, tạo cơ sở để phá thế bao vây, cấm vận.

Tháng 10/1991, Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết sau nhiều nỗ lực đàm phán ngoại giao. Tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và các nước phương Tây được cải thiện mạnh mẽ.

Tiếp đó, tháng 7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cũng trong tháng này, Việt Nam gia nhập ASEAN, Ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

"Ngoại giao là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đưa Việt Nam thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế. Ngoại giao cũng góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước, dẫn tới giải pháp cho vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng và nước lớn", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá trong bài viết nhân kỷ niệm 75 năm ngành ngoại giao.

Giai đoạn từ 1995 đến 2015, ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy của tất cả các nước, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tranh thủ được nhiều vốn FDI và ODA, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phân giới cắm mốc trên biên giới với các nước láng giềng. Việt Nam đã tham gia sáng lập ASEM (1996), tham gia APEC (1998), WTO (2006); đăng cai thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn; đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008 - 2009).

Giai đoạn từ 2015 đến nay, khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, tranh chấp ở Biển Đông diễn biến phức tạp, các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên, ngành ngoại giao góp phần thúc đẩy Việt Nam chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung, thể hiện thông qua các sáng kiến và vai trò chủ nhà nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng ở khu vực. Bên cạnh đó, ngoại giao góp phần thúc đẩy quá trình đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tạo động lực mới cho tăng trưởng.

"Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng và công an trong công cuộc 'giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy', nhất là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta ở Biển Đông", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Việt Nam đến nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên LHQ, trong đó thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam xây dựng đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc, từng bước giải quyết các vấn đề biên giới tồn đọng trên đất liền và trên biển, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hợp tác quốc tế và tranh thủ được ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt hợp tác của ASEAN theo tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng", góp phần giúp ASEAN vững vàng ứng phó với Covid-19. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, với sự kết nối của ngành ngoại giao, Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị y tế tự sản xuất cho 49 nước và hai tổ chức quốc tế, tổ chức hơn 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn. Việt Nam cũng tổ chức nhiều chuyến bay hỗ trợ, đón gần 30.000 công dân về nước tránh dịch và đón hàng nghìn chuyên gia, nhà quản lý nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục làm việc.

Trong hội thảo kỷ niệm 75 năm thành lập ngành ngoại giao hôm 24/8, Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đánh giá ngoại giao đã góp phần tạo dựng nên 4 thành tựu của đất nước. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong thế giới thuộc địa vùng lên lấy sức mình giành lại chủ quyền dân tộc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân. Việt Nam đã lần lượt đẩy lùi hết thế lực ngoại xâm này tới thế lực ngoại xâm hùng mạnh khác, giữ vững độc lập, thống nhất giang sơn, bảo toàn biên cương, dù là một nước không lớn, người không đông, lực lượng vật chất chưa mạnh. Vốn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị các cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề, nay Việt Nam nổi lên là một quốc gia phát triển năng động. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới nay Việt Nam ghi tên trong danh sách các thành viên chủ động, tích cực, đầy trách nhiện trong cộng đồng quốc tế với vị thế ngày càng cao.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng vị thế của Việt Nam thể hiện ở vai trò tích cực trong nhiều tổ chức và diễn đàn đa phương và quan hệ với các nước lớn. Việt Nam hai lần được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2012. Đầu năm 2019, Việt Nam được chọn là điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

"Uy tín quốc tế của Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có", ông Thayer nói.

Nêu lên bài học của ngành ngoại giao, Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết có 4 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, cần kiên định những mục tiêu cơ bản, phản án lợi ích thiết thân của dân tộc, thuận chiều với xu thế thời đại. Ông Vũ Khoan nhắc lại khi ký kết các điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, dù chưa đạt được yêu cầu thống nhất đất nước ngay, các nhà ngoại giao Việt Nam đã kiên trì đấu tranh đưa vào văn bản cam kết của đối phương công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

"Trong thời bình, những mục tiêu trên là nền tảng quan trọng để tạo dựng môi trường ổn định để phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia", ông nói.

Thứ hai là khi xem xét vấn đề sắp xếp lực lượng để đạt mục tiêu, nhân tố quan trọng hàng đầu là "phải trông ở thực lực". Thực lực bao gồm cả "sức mạnh cứng" về kinh tế và quốc phòng và "sức mạnh mềm" như truyền thống quật cường, tinh thần đoàn kết, tính chính nghĩa của sự nghiệp Việt Nam theo đuổi. Vị trí đắc địa về địa chính trị và địa kinh tế cũng có ý nghĩa không nhỏ trong việc gia tăng thực lực quốc gia.

Thứ ba là ngành ngoại giao bên cạnh việc nhận thức sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng chia sẻ những giá trị Việt Nam theo đuổi, cần phân tích cặn kẽ sự xếp sắp lực lượng các thế lực "bên kia chiến tuyến".

Thứ tư là tăng cường đào tạo cán bộ ngang tầm tình hình ngày càng phức tạp, nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Các cán bộ của ngành ngoại giao cần có sự kiên định trên những vấn đề mang tính nguyên tắc và có sự linh hoạt cần thiết, "cương - nhu" tùy lúc, tùy người, tùy việc.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, thế giới đang chuẩn bị bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với những chuyển biến sâu sắc, mau lẹ và khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng của các dân tộc trên thế giới, song có nhiều thách thức, nhất là tình trạng kinh tế thế giới suy thoái, cạnh tranh chiến lược nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, những biến động trong cục diện quốc tế bị đẩy nhanh hơn, tác động trực tiếp, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen.

"Trong bối cảnh mới đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước", Phó thủ tướng nói.

Nguồn Vnexpress