HOẠT ĐỘNG CƠ QUAN
Hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đoàn Thanh niên Sở Ngoại vụ Hà Nội do đồng chí Trần Ngọc Thu, Bí thư Chi đoàn dẫn đầu đã đến dâng hoa, thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc – nơi ghi danh hơn 4 nghìn liệt sỹ thanh niên xung phong trong cả nước và Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Đoàn Thanh niên Sở Ngoại vụ Hà Nội dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc
Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá, hy sinh thân mình, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong khi còn đang tuổi mười tám, đôi mươi.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”, chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua.
Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Nhận nhiệm vụ xong, các chị đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã 3 lần các chị bị vùi lấp nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Các chị đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Ngày nay, tại khu tưởng niệm, tượng đài người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong.
Địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bất tử đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ thanh niên, lực lượng xung kích trong đấu tranh, bảo vệ tổ quốc. Sự hi sinh của 10 nữ liệt sĩ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc đã ghi dấu ấn về một thế hệ thanh niên xung phong luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếp bước truyền thống đó, trong thời đại ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn thanh niên Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân cống hiến, xung kích, tình nguyện trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế với nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi.
Đoàn Thanh niên Sở Ngoại vụ Hà Nội tại Khu mộ 10 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong