GIỚI THIỆU

Lịch sử hình thành
Ngày đăng 11/03/2018 | 9:30 AM  | View count: 4242

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

 

         Giai đoạn 1986-1990 là giai đoạn 5 năm đầu của thời kỳ đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường XHCN, giai đoạn đầu thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế; Lần đầu tiên, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta khẳng định: “Việt Nam cần tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng một nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế”, đồng thời khẳng định “đó là bước đi tất yếu để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển khác”.

         Để khai thác tiềm năng nhiều mặt của thủ đô, Thành phố đã có sự tập trung chỉ đạo, nghiên cứu đổi mới công tác đối ngoại Thành phố, phát triển kinh tế đối ngoại. Chức năng nhiệm vụ của cơ quan đối ngoại Thành phố và các cơ quan tổng hợp có liên quan đến công tác đối ngoại (Uỷ ban Kế hoạch, Uỷ ban Khoa học-Kỹ thuật, Uỷ ban Bảo vệ hoà bình, Uỷ ban Đoàn kết hữu nghị, một số hội hữu  nghị...) chưa được quy định rõ nên còn chồng chéo. Đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng còn yếu về kiến thức và nghiệp vụ, nên chưa làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo Thành phố về công tác đối ngoại. Do đó, ngày 15 tháng 11 năm 1989, Uỷ ban Nhân dân Thành phố có quyết định thành lập Ban Đối ngoại Hà Nội trên cơ sở sát nhập Ban Ngoại vụ, Ban CK, Phòng Xuất nhập khẩu (Uỷ ban Kế hoạch Thành phố), Uỷ ban Hoà bình, đoàn kết hữu nghị (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố), Phòng Kiều hối (Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố).

          Ban Đối ngoại của Thành phố là cơ quan chuyên môn của Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân Thành phố có chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về đối ngoại, bao gồm cả kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thành phố.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6 năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 với mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhanh chóng đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, tuy nhiên, chưa dự báo được những biến đổi có tình bước ngoặt của tình hình quốc tế.

         Ngày 28 tháng 5 năm 1992, Uỷ ban Nhân dân Thành phố có Quyết định thành lập Sở Kinh tế Đối ngoại Thành phố Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Ban Đối ngoại Thành phố. Sở Kinh tế Đối ngoại Thành phố là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban Nhân dân Thành phố làm chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về công tác kinh tế đối ngoại và chính trị đối ngoại trên địa bàn Thành phố, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Nhân dân Thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thương mại và Du lịch, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương cùng các cơ quan có liên quan của Trung ương.

        Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (28.6.1996), xác định nhiệm vụ đối ngoại là củng cố môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

        Để tăng cường công tác chuyên môn vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế đối ngoại, Trung ương và Hà Nội chủ trương tổ chức lại bộ máy quản lý. Năm 1996, căn cứ vào Quyết định số 162/TTg ngày 28 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước về tổ chức thống nhất toàn quốc hệ thống các cơ quan quản lý, Uỷ ban Nhân dân Thành phố đã ra quyết định số 2742/QĐ-UB ngày 23 tháng 8 năm 1996 giải thể các Sở Kinh tế Đối ngoại, Uỷ ban Kế hoạch Thành phố và Sở Thương nghiệp; Đồng thời thành lập một số Sở mới như: Sở Kế hoạch & Đầu tư trên cơ sở sát nhập nhiệm vụ của Uỷ ban Kế hoạch và bộ phận đầu tư và viện trợ quốc tế của Sở Kinh tế Đối ngoại chuyển sang. Thành lập Sở Thương  mại trên cơ sở nhiệm vụ của Sở Thương nghiệp và bộ phận xuất nhập khẩu và quản lý văn phòng đại diện các công ty nước ngoài của Sở Kinh tế Đối ngoại chuyển sang. Bộ phận Chính trị Đối ngoại hay còn gọi là bộ phận Ngoại vụ được chuyển tạm thời về Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố.

     Căn cứ vào công văn số 5141/CCHC ngày 11 tháng 10 năm 1996 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội thành lập Sở Ngoại vụ. Uỷ ban Nhân dân Thành phố đã ra Quyết định số 4372/QĐ-UB ngày 17 tháng 12 năm 1996 về việc thành lập Sở Ngoại vụ Hà Nội. Trong quyết định đã ghi Sở Ngoại vụ Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân Thành phố giúp Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân Thành phố làm chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại trên địa bàn Hà Nội. Sở chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Uỷ ban Nhân dân Thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương.

      - Giai đoạn 1996 – 2006:

Tháng 12/1996, Sở Ngoại vụ được thành lập gồm các phòng: phòng Lễ tân, phòng Lãnh sự và Văn phòng (Quyết định số 4372/QĐ-UB, ngày 17/12/1996 của UBND Thành phố về việc thành lập Sở Ngoại vụ Hà Nội). Thành phố đã giao cho “Sở Ngoại vụ Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, giúp Thành ủy và UBND Thành phố làm chức năng tham mưu và quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại trên địa bàn Hà Nội”.

        - Giai đoạn 2006 – 2011:

Ngày 10/10/2008, UBND Thành phố ra quyết định 31/2008/QĐ-UBND, ngày 10/10/2008 quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ. Trước những đòi hỏi ngày càng cao về công tác đối ngoại, Sở Ngoại vụ đã nhanh chóng được kiện toàn với 5 phòng chuyên môn: Phòng Lễ tân, phòng Lãnh sự, phòng Hợp tác quốc tế, phòng Quản lý các tổ chức phi chính phủ và viện trợ, phòng Thông tin đối ngoại và 01 Trung tâm dịch vụ Đối ngoại Hà Nội – đơn vị sự nghiệp của Sở.

       - Giai đoạn 2011 – nay:

Năm 2013, Sở Ngoại vụ đã kiện toàn bộ máy tổ chức thêm hai phòng chuyên môn: Thanh tra và phòng Người Việt Nam ở nước ngoài. Cơ cấu tổ chức Sở Ngoại vụ gồm: Lãnh đạo Sở: 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc; 08 phòng chuyên môn Văn phòng, Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Lãnh sự, Phòng Lễ tân, Phòng Quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Phòng Thông tin Đối ngoại, Phòng Người Việt Nam ở nước ngoài, Thanh tra Sở và 01 Đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại Hà Nội.

    Đến tháng 11/2016, thực hiện Quyết định số 43/2016/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Ngoại vụ được cơ cấu lại bộ máy tổ chức gồm: Lãnh đạo Sở: 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc; 05 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài, Phòng Lễ tân, Thanh tra Sở.

THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

  • Năm 1997, Bằng khen của UBND TP vì đã tích cực phục vụ Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng Tiếng Pháp.
  • Năm 1998, Bằng khen của UBND TP vì đã tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác năm 1998.
  • Năm 1999, Bằng khen của HĐND TP vì đã có thành tích nhiệm kỳ 1994 – 1999, Bằng khen của UBND TP vì đã tích cực thực hiện nhiệm vụ công tác năm 1999.
  • Năm 2000, Bằng khen của UBND TP vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua kỉ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội.
  • Năm 2001, Chủ tịch nước tặng Sở Ngoại vụ Hà Nội Huân chương Lao động hạng Ba; Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại năm 2000 – 2001, UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho Sở Ngoại vụ.
  • Năm 2002, UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc, Cờ Đơn vị xuất sắc nhân Tổng kết 10 năm công tác đối ngoại thủ đô Hà Nội.
  • Năm 2003, UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc, Bằng khen vì đã có sự đóng góp tích cực cho Hội nghị toàn thể Mạng lưới các Thành phố lớn Châu Á (ANMC21)
  • Năm 2004, UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho Sở Ngoại vụ.
  • Năm 2005, Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại 2002 – 2004 cho Sở Ngoại vụ. UBND TP tặng Bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2005,
  • Năm 2006, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Sở.
  • Năm 2007, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác phục vụ thành công Hội nghị APEC 14 Năm 2006 tại Việt Nam cho Sở Ngoại vụ, UBND TP tặng cờ Thi đua xuất sắc cho Sở Ngoại vụ.
  • Năm 2008, UBND TP tặng Bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2008.
  • Năm 2009, Bộ Ngoại giao tặng Bằng khen về thành tích công tác 2008-2009. UBND TP tặng Bằng khen vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2009.
  • Năm 2010, UBND Thành phố tặng Cờ Thi đua xuất sắc phong trào thi đua Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long  – Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
  • Năm 2011, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất, Thư khen của Chủ tịch Quốc hội về đóng góp tích cực vào việc tổ chức Hội nghị AIPA, Bằng khen của Thành ủy về việc tập thể có thành tích xuất sắc.
  • Năm 2012, Bằng khen của UBND TP về thành tích “Tập thể Lao động xuất sắc” năm 2012
  • Năm 2013, 2014, 2015, 2016: Nhận Bằng khen của UBND Thành phố về đạt thành tích xuất sắc trong công tác.
  • Năm 2015: Nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
  • Năm 2017, 2018: Nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua”, nhận Khen thưởng thành tích đột xuất trong tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2018  Hợp tác, Đầu tư và Phát triển”.
  • Năm 2019: Nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2019” của UBND Thành phố, Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 2019; Nhận Bằng khen thành tích xuất sắc phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội; Nhận Bằng khen thành tích 03 năm (2016-20219) triển khai thí điểm “Không gian phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”;  Nhận Bằng khen thành tích trong triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019.
  • Năm 2020: Nhận Bằng khen "Thành tích trong công tác hợp tác thu hút đầu tư và phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc" của Thủ tướng Chính phủ.
  • Năm 2021: Nhận Bằng khen "Thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (đợt 2)" của Bộ Ngoại giao.