Xuất bản thông tin
TCCS - Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, công tác đối ngoại nhân dân của Hà Nội ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hiệu quả của cả nước.
Công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) ở nước ta có lịch sử phát triển lâu dài, gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Mục tiêu chung của ĐNND là làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đối ngoại nhân dân góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác với nhân dân thế giới, tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tăng cường sự giúp đỡ của thế giới về vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý; là cầu nối giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế, giới thiệu chính sách đối ngoại của Việt Nam, mang hình ảnh đại diện của đất nước, dân tộc trong quá trình giao lưu quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam.
Một số kết quả nổi bật về đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội cũng là nơi có trụ sở của đại sứ quán các nước, cũng như hầu hết các tổ chức quốc tế song phương và đa phương trên thế giới và khu vực.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội có vai trò quan trọng trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài của Thủ đô. Với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, công tác ĐNND của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã góp phần tích cực giữ vững môi trường hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trong những năm qua, hoạt động ĐNND của Thủ đô, mà nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đạt một số kết quả nổi bật, trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Thành phố luôn chú trọng đưa các quan hệ hợp tác, đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ với các đối tác láng giềng hữu nghị truyền thống (Lào, Campuchia, Trung Quốc); các nước ASEAN; các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đang có đà phát triển thuận lợi (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Nga, Anh, Hoa Kỳ, một số nước EU,…) và các đối tác tiềm năng khác.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành tượng đài đại thi hào Nga Alexander Sergeyevich Pushkin tại Công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm_Ảnh: TTXVN
Hà Nội còn là thành viên chính thức, tham gia tích cực tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế lớn, như Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới (Metropolis), Hiệp hội các thị trưởng của các thành phố có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Mạng lưới các chính quyền địa phương về quản lý dân cư (Citynet), Hiệp hội các thành phố có lịch sử lâu đời (The League of Historical Cities), Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN)… Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999 - 2019), Hà Nội vinh dự trở thành 1 trong 246 thành viên thuộc “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”. Với sự chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương, thành phố Hà Nội đã khẳng định vai trò là thành viên quan trọng, tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế liên đô thị, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.
Thứ hai, đa dạng hóa các hoạt động đối ngoại nhân dân trên nhiều lĩnh vực.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố, đặc biệt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố đã khẳng định được vai trò là cầu nối hữu nghị nhân dân, là đầu mối để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hội nhập với thế giới theo phương châm “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Các hội hữu nghị của Thủ đô và các tổ chức thành viên tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao với nhiều hình thức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, các đại sứ quán và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tham gia. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao truyền thống, như: Chương trình giao lưu nghệ thuật chào năm mới, du xuân hữu nghị, hành trình hữu nghị, chương trình chúc mừng tết cổ truyền của một số nước châu Á, Cuộc thi vẽ tranh quốc tế “Em yêu Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, Giải chạy Báo Hànộimới vì hòa bình, giải tennis hữu nghị dành cho các nhà ngoại giao, Ngày đoàn kết với nhân dân Palestine, đêm nhạc Mỹ La-tinh, Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh…, có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá văn hóa của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế.
Thứ ba, công tác thông tin đối ngoại ngày càng được đổi mới về cả nội dung và hình thức.
Thành phố tập trung đầu tư xây dựng các kênh thông tin đối ngoại chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong tình hình mới, như Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, website của các sở, ngành; hệ thống phát thanh, truyền thanh của các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn…. Trong thời gian qua, các kênh thông tin đối ngoại chủ lực của thành phố Hà Nội luôn tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông tin đối ngoại của Trung ương và Hà Nội đều được cập nhật kịp thời với nội dung phong phú trên nhiều lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Các thông tin đối ngoại được truyền tải hấp dẫn, bằng nhiều thứ tiếng, chất lượng tốt, góp phần thiết thực trong công tác thông tin đối ngoại của thành phố.
Thứ tư, dấu ấn hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động ĐNND đã phát huy được hiệu quả với nhiều chương trình, hoạt động kịp thời, thiết thực, có ý nghĩa. Các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giúp nhân dân các nước hiểu hơn về Việt Nam và đồng tình, đoàn kết, ủng hộ Việt Nam; kịp thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ hình ảnh và lợi ích của Việt Nam; vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ để góp phần phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động phối hợp với đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế được triển khai thường xuyên, giúp huy động tối đa các nguồn lực. Đặc biệt, tháng 9-2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức chương trình “Đoàn kết chống dịch”, hỗ trợ hơn 1 nghìn người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Qua những hành động đẹp và việc làm có ý nghĩa nói trên, vai trò của các đoàn thể, tổ chức hữu nghị trong công tác ĐNND của thành phố đã được phát huy cao độ, thể hiện cao truyền thống “tương thân, tương ái”, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch. Những hoạt động này cũng góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị với nhân dân các nước, tô đẹp thêm hình ảnh Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống nhân văn, một điểm đến an toàn, thân thiện, nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ĐNND Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát, chưa phân công đồng chí cấp ủy phụ trách ĐNND; còn tồn tại tâm lý chưa coi trọng đúng mức hoạt động ĐNND tại các sở, ban, ngành, quận, huyện. Nhiều hoạt động ĐNND còn mang tính hình thức, đôi khi sa đà vào nghi lễ, sự vụ, mà chưa đi vào chiều sâu, chưa gắn kết cụ thể với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của Thủ đô. Mối quan hệ giữa hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ĐNND tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu sự gắn kết, chưa có sự đồng bộ, liên thông. Bộ máy chuyên trách làm công tác ĐNND còn mỏng, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ đối ngoại còn bất cập. Cán bộ cấp cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, vừa thiếu, vừa yếu, lại chưa được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ ĐNND. Lực lượng ĐNND còn phân tán, bộ máy chỉ mới tập trung vào bộ phận chuyên trách, chưa phát triển thêm lực lượng nòng cốt. Sự quan tâm đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập về ĐNND còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa đủ những điều kiện để các đơn vị này hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ.
120 nghệ sĩ đa quốc tịch hòa giọng tại Chương trình nghệ thuật: "Vì một Hà Nội đáng sống"_Ảnh: TTXVN
Những yêu cầu đối với hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội trong tình hình mới
Trong tình hình mới, hoạt động ĐNND có vị trí ngày càng quan trọng trong mặt trận đối ngoại nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(1). Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng khẳng định: “Đổi mới sáng tạo trong công tác đối ngoại; xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực phát triển Thủ đô”(2). Do vậy, cần “đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế”(3). Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội về hoạt động đối ngoại, công tác ĐNND của Thủ đô cần bảo đảm một số yêu cầu sau:
Một là, phát triển trụ cột đối ngoại nhân dân đồng bộ, ngang tầm nhiệm vụ và gắn kết với các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước trong xây dựng nền ngoại giao toàn diện.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(4). Theo đó, ba trụ cột này đặt trong một chỉnh thể thống nhất là nền ngoại giao toàn diện, mỗi bộ phận vừa có tính độc lập tương đối, vừa thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện mục tiêu chung là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Quan điểm này yêu cầu sự đồng bộ trong thế trận ngoại giao toàn diện, các thành tố hợp thành, hoạt động nhịp nhàng trong sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới và ngày càng cao đối với trụ cột ĐNND cả về quy mô lực lượng, tính chất và chất lượng hoạt động để xứng tầm với giai đoạn phát triển mới.
Hai là, phát triển đối ngoại nhân dân gắn bó mật thiết với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần rà soát, bổ sung nhiệm vụ ĐNND một cách khoa học, linh hoạt trong các chương trình công tác của Thành ủy, của các đoàn thể nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp mặt trận đối ngoại của cả hệ thống chính trị. Lồng ghép nhiệm vụ ĐNND vào các kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của các sở, ban, ngành, quận huyện, thị xã. Tăng cường phát huy tính sáng tạo, chủ động của cơ sở, xây dựng các mô hình hợp tác hữu nghị sinh động, cụ thể, đem lại nhiều giá trị ý nghĩa.
Ba là, đầu tư cho đối ngoại nhân dân là đầu tư cho phát triển bền vững.
Đối ngoại nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình phát triển bền vững của đất nước; góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định, tạo lập niềm tin cho các cộng đồng nhân dân rộng lớn trên thế giới về một đất nước Việt Nam tin cậy, yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cũng chính là tạo niềm tin và môi trường cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Vì vậy, cần xác định rõ, đầu tư, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động ĐNND của Thủ đô là đầu tư cho phát triển bền vững, trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa.
Bốn là, phát triển đối ngoại nhân dân trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Vận dụng văn hóa trong ngoại giao tâm công là phương cách dễ thuyết phục và đi vào lòng người hơn cả. Do vậy, bên cạnh việc coi trọng cơ sở, thiết chế văn hóa, bản sắc văn hóa trong các hoạt động ĐNND, cần tích cực giao lưu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các nước; khuyến khích các cá nhân, tổ chức thông qua hoạt động ĐNND duy trì, bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa, dịch vụ, lễ hội, nghệ thuật văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, như tổ chức các cuộc thi hát, múa, trình diễn trang phục dân tộc cho người nước ngoài, quảng bá, phát triển việc sử dụng tiếng Việt trên thế giới...
Năm là, phát triển đối ngoại nhân dân của Thủ đô, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh quốc gia, tăng cường “sức mạnh mềm” của Thủ đô và đất nước.
Là Thủ đô của Việt Nam, các hoạt động ĐNND của Thủ đô không chỉ phục vụ nhiệm vụ riêng của thành phố Hà Nội, mà còn được đặt trong mối quan hệ với sự phát triển đối ngoại với các địa phương trong cả nước. Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, một trong những phương hướng mà ĐNND của Thủ đô hướng đến là phải kết nối, sáng tạo và hỗ trợ liên hiệp hữu nghị các địa phương khác nhằm tăng cường giao lưu hữu nghị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các chương trình giao lưu hữu nghị của thành phố, đồng thời tham mưu cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong xây dựng và triển khai các chương trình hữu nghị cấp quốc gia.
Khán giả trong nước và quốc tế tham dự Chương trình: "Áo dài của chúng ta" với chủ đề: "Thế giới trong áo dài Việt" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)_Nguồn: phunuvietnam.vn
Một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới và phát triển đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội trong tình hình mới
Trong giai đoạn tới, để triển khai thực hiện thành công đường lối, chủ trương đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, hoạt động ĐNND Thủ đô tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công tác ĐNND. Thành ủy tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hoạt động ĐNND, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thể chế, thiết chế và cơ chế hoạt động của đối ngoại nói chung và ĐNND nói riêng theo hướng tinh gọn, đổi mới, sáng tạo, hiện đại, hội nhập quốc tế và hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách về đối ngoại của các đoàn thể nhân dân là lực lượng chủ công trong công tác ĐNND, nên cần chú trọng bồi dưỡng, phát triển, nâng cao năng lực cho đội ngũ này nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác ĐNND. Chuẩn hóa các tiêu chí tuyển chọn cán bộ làm công tác ĐNND, chú trọng các tiêu chí về nhận thức chính trị, kiến thức xã hội, trình độ ngoại ngữ, tin học, hiểu biết về đối ngoại... Cán bộ đối ngoại cần tìm hiểu, học tập và phát huy nét độc đáo trong phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình mới, góp phần xây dựng bản sắc của ngoại giao Việt Nam. Văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của sự hiểu biết sâu rộng cùng tài trí, nghị lực, bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, gần gũi, cởi mở, thẳng thắn và phong cách lịch thiệp, tế nhị, chu đáo. Nghệ thuật ứng xử ngoại giao của Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân tộc với sự am tường phong tục, tập quán của các dân tộc trên thế giới. Theo đó, đội ngũ cán bộ ĐNND cần có nền tảng vững chắc về văn hóa dân tộc, khai thác tốt nhất nhân tố thời đại phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc, biến ngoại lực thành nội lực, nâng cao giá trị văn hóa dân tộc và chia sẻ các giá trị của văn hóa Việt Nam với thế giới.
Cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực đối ngoại của các đoàn thể nhân dân, cần mở rộng mạng lưới chủ thể tham gia hoạt động ĐNND, đẩy mạnh xã hội hóa lực lượng tham gia công tác ĐNND, từng bước thực hiện phương châm “biến đối ngoại thành sự nghiệp của toàn dân”.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Sớm hình thành cơ chế sinh hoạt định kỳ hằng quý, hằng năm giữa Sở Ngoại vụ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trên địa bàn thành phố có hoạt động đối ngoại để cung cấp thông tin định hướng về chủ trương, chính sách đối ngoại của thành phố. Sở Ngoại vụ có cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp với các đoàn thể nhân dân hoạt động trên các lĩnh vực liên quan.
Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đối ngoại của các đoàn thể nhân dân.
Trong các lực lượng tham gia mặt trận ĐNND của thành phố hiện nay gồm các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng và các tổ chức phi chính phủ, trong đó các đoàn thể nhân dân có vị trí, vai trò nòng cốt đặc biệt quan trọng. Các đoàn thể nhân dân, như Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội… là các tổ chức tập hợp đông đảo hội viên, có mục tiêu hoạt động vì lợi ích chung của thành phố và đất nước. Vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động ĐNND trước hết là nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đối ngoại của các đoàn thể nhân dân.
Thứ năm, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ĐNND phải trên cơ sở nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức, phương pháp ĐNND; nâng cao năng lực của các tổ chức chủ thể ĐNND, bao gồm cả chủ thể nòng cốt và các chủ thể là các tổ chức thuộc hội quần chúng nhân dân. Đồng thời, các nội dung và phương thức hoạt động ĐNND cần gắn kết chặt chẽ với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn theo hướng cụ thể, thiết thực. Đây là khâu quyết định để nâng cao hiệu quả của hoạt động ĐNND. Cùng với đó, đa dạng hóa các hoạt động ĐNND trên cơ sở đầu tư phát triển các nền tảng số, không gian mạng với cách thức và nội dung hoạt động hợp lý. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố các đề án, dự án mới về không gian hữu nghị quốc tế, các chương trình phát triển cộng đồng hữu nghị./.
----------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 49
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2021, tr. 172
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd , t. I, tr. 62