BẢN TIN ĐỐI NGOẠI

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 khai mạc tại Hà Nội
Ngày đăng 19/12/2023 | 2:43 AM  | View count: 838

Sáng 18-12, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương" đã khai mạc tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị ngày 18-12.

Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, với những thành tựu nổi bật đã củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời huy động nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các kênh đối ngoại, các lĩnh vực, các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương.

Điểm lại những thành tựu của công tác đối ngoại địa phương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Xác định đối ngoại địa phương là một trong những binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại, Bộ Ngoại giao đề cao tinh thần phục vụ, luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ, truyền thống đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước, bảo hộ công dân... Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm đối ngoại địa phương bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ ra những giải pháp để làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác đối ngoại địa phương. Thứ nhất, cần đổi mới tư duy hơn nữa để công tác đối ngoại địa phương mang tầm chiến lược, đồng bộ và sáng tạo hơn. Thứ hai, các địa phương cần kết hợp hiệu quả “sức mạnh dân tộc” với sức mạnh thời đại để tăng cường sức mạnh tổng thể. Thứ ba, các địa phương cũng cần chung tay, cùng liên kết, phân công và hợp tác để phát huy tối ưu nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tránh tình trạng tác chiến độc lập.

Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hội nghị thảo luận kỹ lưỡng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp triển khai công tác đối ngoại địa phương trong những năm tới. Bộ trưởng đã gợi mở một số vấn đề: Tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Các cơ quan đối ngoại địa phương cần chủ động tham mưu các cấp chính quyền địa phương cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch gắn với điều kiện đặc thù và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương; Phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản; Phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương...

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao Kỷ niệm chương cho "Vì sự nghiệp ngoại giao" cho một số cá nhân.

Hội nghị Ngoại vụ diễn ra cả ngày với Phiên khai mạc, Phiên đối nội vào buổi sáng, Phiên đối ngoại sẽ diễn ra vào buổi chiều với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu.