VIETNAMESE CONSULS

Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài
Publish date 27/10/2023 | 7:24 AM  | View count: 1198

Ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với đầu cầu hội nghị ở thành phố Hà Nội kết nối một số địa bàn khu vực châu Âu (Pháp, Séc, Nga), châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc) và Australia.

Toàn cảnh Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài”, ngày 26/10.

Hội thảo thu hút trên 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Truyền hình Quốc hội; Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội; Hội liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội Liên lạc với NVNONN; đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam đến từ 11 nước/vùng lãnh thổ, bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Séc, Anh, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc tại 15 điểm cầu ở nước ngoài; và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN - cho biết, cũng như người Việt Nam trong nước, cộng đồng NVNONN chịu sự điều chỉnh và được hưởng các quyền theo hệ thống pháp luật nơi sinh sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất đặc thù là những người có mối quan hệ gắn bó, hướng về quê hương, có các quyền và lợi ích liên quan tại Việt Nam, do đó, môi trường pháp lý đối với NVNONN rất đa dạng, cần được hướng hỗ trợ đảm bảo quy định pháp luật.

Trong bối cảnh đó, việc hiểu biết và nắm vững các quy định pháp lý nhằm vừa thực thi, vừa bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình là một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng NVNONN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến NVNONN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho NVNONN tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai….

Hội thảo là bước khởi đầu để tiến tới hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho NVNONN với sự tham gia tư vấn về chuyên môn sâu của Đoàn Luật sư Hà Nội, góp phần hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống ở sở tại cũng như trong quá trình về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.

“Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của bà con, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Đoàn Luật sư Hà Nội tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan", ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.

Hội thảo lắng nghe ý kiến kiều bào từ đầu cầu nước ngoài.

Tại Hội thảo, đại diện các hội đoàn người Việt Nam đến từ Vương quốc Anh, Hà Lan, Séc, Bỉ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Úc, tập trung  trao đổi, chia sẻ nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư NVNONN, thừa kế tài sản, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam; các thủ tục hành chính liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, xuất-nhập cảnh, xuất khẩu lao động,...

Các đại biểu kiều bào bày tỏ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Ủy ban NNVNVNONN và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đề xuất một số biện pháp, hình thức hỗ trợ và kỳ vọng cơ chế hỗ trợ pháp lý sẽ sớm được triển khai thời gian tới một cách thực chất, hiệu quả.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cho rằng: Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm nhất quán mà Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (26/3/2004), Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, mà nội dung cơ bản là :“Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là nhân tố quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước”.

Trong những năm qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản luật có nội dung liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Cùng với đó, các chính sách về xuất nhập cảnh, trọng dụng nhân tài đã cơ bản hình thành tương đối đầy đủ trong hệ thống văn bản pháp luật, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi cư trú, hoạt động trong nước.

Theo ông Nguyễn Phú Bình, hiện nay, tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng đất nước ta lại đang có những thời cơ mới trên con đường phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, ngày càng trở thành một bộ phận và nguồn lực quan trong của đất nước. Nếu chúng ta có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tháo gỡ một số vướng mắc, trong đó có các vấn đề pháp lý thì sẽ giúp bà con ta ngày càng gắn bó với đất nước, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Nghĩa Hòa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo về một chủ đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào ta ở nước ngoài cũng như của các tổ chức làm công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vấn đề “hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Trần Nghĩa Hòa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội cho biết, công tác người Việt Nam ở nước ngoài được thành phố Hà Nội triển khai nghiêm túc, thông qua các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực và thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần tích cực nâng cao hiểu biết, thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, kêu gọi những nguồn lực quan trọng từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển và hội nhập của thủ đô và đất nước.

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố trong việc tư vấn cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể là xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy trên địa bàn Thành phố trong công tác PBGDPL; đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố về PBGDPL và truyền thông chính sách pháp luật trên địa bàn Thành phố; triển khai công tác PBGDPL trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố; thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách pháp luật…

Thành phố Hà Nội luôn đồng hành, quan tâm hỗ trợ vấn đề pháp lý đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong triển khai, thực thi pháp luật, Thành phố chỉ đạo các Sở, Ban ngành giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài.

“Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và làm việc, sinh sống thuận lợi cho kiều bào, bối cảnh mới hiện nay cần có cách thức cụ thể nhằm hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài. Muốn làm được điều đó cần sự chung tay của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và mọi thành phần xã hội” ông Trần Nghĩa Hòa chia sẻ.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Buổi hội thảo là hoạt động nhằm triển khai Kết luận số 12/KL-TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại”.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia "hiến kế" cho Ðảng, Nhà nước trong nhiều vấn đề quan trọng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 ước tính ở mức hơn 18 tỷ USD, tổng lượng kiều hối có thể tăng 4,4% trong năm 2022 và được dự báo tăng 3,6% đến 4,5% trong năm tiếp theo.