DIPLOMATIC NEWS

Hội nghị ngoại vụ toàn quốc 20: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương
Publish date 15/12/2021 | 1:37 PM  | View count: 3100

Sáng 13/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, đã diễn ra Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các Thứ trưởng, các Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, Hiệp hội doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế hàng đầu của của Việt Nam, Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao.

Ảnh 1. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh TTXVN)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 diễn ra trong không khí các cấp, các ngành và nhân dân cả nước phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, Bộ trưởng đánh giá, Hội nghị là dịp quan trọng để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương nhìn nhận toàn diện, rút ra bài học từ thực tiễn triển khai công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối, định hướng đối ngoại, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới.

Bốn vấn đề trọng tâm của công tác đối ngoại địa phương

Căn cứ định hướng phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng đề ra tại Đại hội XIII, với chủ đề của Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gợi mở một số vấn đề để các đại biểu cùng thảo luận.

Thứ nhất, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương. Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân. Như vậy, đối ngoại địa phương là một lĩnh vực công tác quan trọng của chính quyền địa phương, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đồng thời cũng là một bộ phận không tách rời trong công tác đối ngoại của đất nước.

Bộ trưởng đề nghị Hội nghị thảo luận, làm rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là “vị trí tiên phong” của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế...

Thứ hai, xác định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng về “phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tế quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030 đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Để góp phần đưa chủ trương đúng đắn này của Đảng đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành Ngoại giao là nòng cốt và các địa phương là "trung tâm phục vụ".  Theo đó, các địa phương cần chủ động, thường xuyên thông tin cho ngành Ngoại giao về các trọng tâm trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của mình gắn kết với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển chung của đất nước, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, trong đó có ngành Ngoại giao, từ khâu xây dựng cho đến thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương.

Ảnh 2. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương

Ngành Ngoại giao thông qua hoạt động đối ngoại và phát huy tối đa lợi thế mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục chủ động nắm bắt, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của các địa phương để tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Thứ ba, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại địa phương. Trong triển khai đối ngoại địa phương, cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Đảng vào điều kiện đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đó có kế hoạch, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng đối với sự phát triển của địa phương. Bên cạnh các lĩnh vực công tác truyền thống, cần mạnh dạn mở ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới và hướng đi mới có hiệu quả cao hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn cho địa phương.

Cuối cùng là nâng cao năng lực của đối ngoại địa phương, trong đó then chốt là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ đối ngoại địa phương, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng ngày cũng thiết thực nhu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại địa phương.

Tôi tin tưởng rằng, phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể, Hội nghị sẽ đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo nên bước chuyển biến mới, thực chất và hiệu quả hơn trong công tác đối ngoại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng từ các địa phương trong công tác đối ngoại địa phương

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Trần Thanh Huân đã phát biểu báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương của kể từ Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 và định hướng công tác trong thời gian tới. Một số đại biểu từ các cơ quan Trung ương như Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ nhiều nội dung về công tác ngoại vụ phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp vượt qua thử thách từ đại dịch Covid-19, hướng tới sự phục hồi toàn diện.

Bước sang phiên Thảo luận, đại diện lãnh đạo các địa phương và trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao Viêt Nam tại nước ngoài đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả đối ngoại địa phương trên các lĩnh vực ngoại giao kinh tế, biên giới lãnh thổ, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh sự - bảo hộ công dân,…

Hà Nội chia sẻ về định hướng Phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Đóng góp tổng kết công tác đối ngoại địa phương cũng như đưa ra những định hướng thời gian tới tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20; đại diện cho thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chia sẻ tham luận với chủ đề “Phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo - Cơ hội và Thách thức đối với Hà Nội”.

Ảnh 3. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận

tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, việc tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo bao gồm 246 thành viên của UNESCO trở thành bước tiến thuận lợi cho Hà Nội, tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị; trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục, góp phần quan trọng định vị thương hiệu thành phố sáng tạo, quảng bá hình ảnh, kích thích đầu tư. Đặc biệt là gia tăng những cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Thứ nhất, là cơ hội để Thủ đô trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. Với hơn 5.000 di tích với nhiều di sản văn hóa được quốc tế công nhận, Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống cả nước, dự án lớn trong sáng tạo, như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Phố bích họa Phùng Hưng, dự án phát triển làng nghề... những hoạt động này tạo cơ hội giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội, xứng đáng là trung tâm du lịch và sáng tạo của khu vực và thế giới.

Thứ hai, cơ hội thúc đẩy cạnh tranh, phát triển kinh tế, du lịch. Hà Nội đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, khi tích cực áp dụng mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. 

Thứ ba, là cơ hội xuất khẩu văn hóa. Việc số hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được các chuyên gia ví như là bảo tàng, thư viện lưu trữ để dễ dàng quản lý. Hà Nội là nơi tập trung nhân tài trí tuệ của cả nước, thuận lợi cho việc tiếp nhận và phổ biến các nền tri thức mới. Đây là nhân tố quan trọng cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, lộ trình phát triển Thành phố sáng tạo vẫn còn đối mặt với những thách thức trong tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh, gia tăng dân số, hoàn thiện thể chế về văn hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Trong bối cảnh đó, Hà Nội nhận thức cần nắm bắt cơ hội thông qua việc nâng cao nhận thức của xã hội - các cấp chính quyền; đầu tư nguồn lực phù hợp với ngành công nghiệp văn hóa, đưa tiềm năng văn hóa thành sức mạnh mềm đem lại giá trị cao về kinh tế; xây dựng chiến lược kinh tế xã hội bao gồm yếu tố sáng tạo - tạo sự bền vững trong phát triển và xây dựng cơ chế phù hợp tạo động lực thúc đẩy tư duy và sáng tạo trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới sáng tạo, trong đó nghiên cứu xây dựng một trung tâm thiết kế sáng tạo,  nỗ lực xây dựng và tổ chức sáng tạo các chương trình và dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công; tạo nhiều sản phẩm văn hóa trên nền tảng phát huy văn hóa truyền thống…

“Mục tiêu lớn của Hà Nội trong thời gian gần là trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những điểm sáng về văn hóa trong khu vực cũng như thế giới”, ông Lê Hồng Sơn khẳng định.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức các cuộc trao đổi riêng giữa các địa phương Việt Nam với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và đại diện doanh nghiệp, cũng như các Cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam, nhằm trao đổi sâu hơn những nội dung các bên cùng quan tâm.

Buổi chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối với đối tác nước ngoài, Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” lần đầu tiên được phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.