GENERAL NEWS

Phát huy tiềm lực, đẩy mạnh đối ngoại văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô
Publish date 15/12/2021 | 11:45 AM  | View count: 6973

Với vị trí là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, văn hóa và giao lưu quốc tế của Việt Nam, với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, Hà Nội xác định công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tập trung triển khai với các giải pháp trọng tâm, là động lực phát triển Thủ đô.

Thành phố đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, các danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, bản sắc văn hóa, trí tuệ và chất xám con người Hà Nội, đưa các giá trị này trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.  Và tất cả những nội dung đó không nằm ngoài nội hàm to lớn của công tác ngoại giao văn hóa, là động lực để Thành phố không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại văn hóa nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, giàu đẹp và hội nhập, tham gia đóng góp tích cực vào thành công chung của chính sách đối ngoại quốc gia, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong những năm tới.

Với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước. Hà Nội hiện có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2.380 di tích được xếp hạng, chiếm tỉ lệ gần 20% cả nước; nhiều di sản đã được UNESCO công nhận như Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Cổ Loa, phố cổ Hà Nội…Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xá… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có những sản phẩm nghệ thuật truyền thống như hát ca trù, hát chầu văn đã được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, nghệ thuật múa rối nước, ẩm thực. Với số lượng khoảng 1.100 lễ hội truyền thống, một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương lớn nhất Việt Nam, kéo dài 3 tháng... cũng là những điểm nhấn văn hóa quan trọng của Hà Nội.

Thời gian qua, việc phát triển các sản phẩm văn hóa giàu bản sắc, đa dạng gắn với mục đích phục vụ hoạt động du lịch được tổ chức khai thác hợp lý và hiệu quả; các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đặc biệt, với danh hiệu cao quý được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”; và mới đây, Thủ đô Hà Nội chính thức tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng và khẳng định hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến văn hóa an toàn, thân thiện và mến khách, được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác phát triển văn hóa nói chung và đối ngoại văn hóa nói riêng thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hà Nội trong chỉ đạo, điều hành; do vậy đã huy động và thu hút sự hưởng ứng của toàn hệ thống chính trị, xã hội, cộng đồng, nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hóa và đối ngoại, tạo nên tổng thể bức tranh rực rỡ về đối ngoại văn hóa của thủ đô Hà Nội với nhiều hình thức đa dạng:

- Gắn kết với ngoại giao chính trị: Hoạt động văn hóa đối ngoại được lồng ghép phù hợp thông qua các đoàn công tác; các sự kiện giao lưu văn hóa - văn nghệ. Thành phố đã thúc đẩy tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa đối ngoại lớn tại các Thành phố có quan hệ hợp tác truyền thống với Hà Nội như: Những ngày Hà Nội tại Matxcơva (CHLB Nga), Paris, Toulouse (Pháp), Fukuoka (Nhật Bản), Geneva (Thụy Sĩ), Seoul (Hàn Quốc)… và Những ngày văn hóa các Thành phố bạn tại Hà Nội. Một loạt các lễ hội, sự kiện quảng bá về văn hóa, đầu tư, thương mại, du lịch các nước tại Hà Nội, sự kiện kỷ niệm quan hệ ngoại giao năm tròn, năm chẵn do Thành phố phối hợp tổ chức với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố vào dịp cuối tuần đã trở thành điểm nhấn văn hóa của Thủ đô.

- Đồng hành với ngoại giao kinh tế: Các chương trình xúc tiến thương mại, văn hóa và du lịch, Tuần hàng Hà Nội được phối hợp tổ chức với các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiềm năng đã gây được tiếng vang lớn như: “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” từ năm 2016 tại hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản); “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2019” tại Chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis (Pháp); “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” năm 2019 tại chuỗi siêu thị Lotte (Hàn Quốc); sự kiện quảng bá tại hội chợ ITB Berlin tại Đức. Hàng năm, Hà Nội cũng chủ trì hoặc đăng cai tổ chức trên địa bàn các sự kiện đối ngoại kinh tế quy mô lớn như Hội nghị Hà Nội - Hợp tác đầu tư và Phát triển (từ năm 2017); Hội nghị đổi mới sáng tạo Hà Nội 2019, Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài để kết hợp quảng bá, thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau. Quy mô vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội ngày càng tăng qua các năm là minh chứng cho sức hút và sự quan tâm của khối doanh nghiệp nước ngoài.

- Phát triển du lịch văn hóa: Thành phố đã tích cực tham gia vận động UNESCO công nhận các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (ca trù, di sản Hội Gióng, di sản kéo co ngồi, Tín ngưỡng Thờ mẫu, di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long). Đồng thời, tăng cường mạnh mẽ đầu tư phát triển các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, điểm di tích lịch sử, văn hóa; đẩy mạnh tham gia liên kết trong nước và quốc tế. Du lịch phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng. Điểm đến Hà Nội được các tổ chức quốc tế đánh giá, bình chọn nằm trong các điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại: Hàng năm, Thành phố chỉ đạo xây dựng ấn phẩm tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa ngôn ngữ. Ngoài ấn phẩm giấy, còn có ấn phẩm điện tử như USB, đĩa CD Rom, quét mã QR Code, các phim, video clip với hình ảnh đẹp, có lồng tiếng hoặc phụ đề đa ngôn ngữ. Các kênh thông tin đối ngoại của Hà Nội như Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, website của các Sở, ngành; hệ thống phát thanh, truyền thanh của quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đều được cập nhật kịp thời với nội dung phong phú, hấp dẫn, bằng nhiều thứ tiếng. Từ năm 2017, Thành phố hợp tác với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN quốc tế để tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội - Việt Nam mang lại hiệu quả truyền thông đột phá.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh triển khai các nội dung tuyên truyền cho người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường đối ngoại nhân dân, giao lưu thể thao.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy những dấu ấn về hội nhập văn hóa quốc tế sâu rộng của thành phố Hà Nội trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế -thương mại - du lịch. Cùng với sự hội nhập mạnh mẽ, đối ngoại văn hóa đã mở đường để thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng với hơn 100 Thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, tạo nên thế và lực mới trên trường quốc tế, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững cũng như ghi dấu về hình ảnh một Hà Nội hiện đại mới nhưng giàu bản sắc, thành phố vì hòa bình, đổi mới, sáng tạo, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.