GENERAL NEWS

Vị Đại sứ 3 lần dự Đại hội Đảng: Việt Nam đã tạo được sự khác biệt
Publish date 25/01/2021 | 3:10 PM  | View count: 4064

Đại hội lần thứ XIII sẽ là kỳ đại hội Đảng thứ 3 Đại sứ Palestine Saadi Salama được tham dự, sau gần 40 năm sống tại Việt Nam, có điều kiện quan sát Việt Nam suốt quá trình đổi mới từ sau chiến tranh…

Đại sứ Palestine Saadi Salama từng dự Đại hội Đảng VI, Đại hội XI và tới đây sẽ dự Đại hội XIII.

 

Việt Nam có một nền độc lập thực sự

- Có lẽ không có nhà ngoại giao nào có được trải nghiệm dự 3 kỳ Đại hội Đảng tại Việt Nam như ông. Ấn  tượng của Đại sứ về những kỳ đại hội đó?

- Năm 1982, khi tôi còn là sinh viên nghiên cứu, học tập tại Việt Nam, tôi đã đóng góp một phần nhỏ vào thành công của đoàn đại biểu Palestine sang thăm Việt Nam và tham dự Đại hội V của Đảng khi đó. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi với Đại hội Đảng.

Đại hội V diễn ra trong bối cảnh rất khó khăn của Việt Nam, khi bị bao vây, phong tỏa. Đại hội khi đó đã thu hút sự đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của các đảng anh em và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tôi còn nhớ, những lãnh tụ từ nhiều nước đến Việt Nam khi đó là những người đã ghi tên mình trong lịch sử dân tộc họ. Ví dụ như đại diện Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là ông Heydar Aliyev, người sau này là Tổng thống của Azerbaijan, và hiện con trai ông cũng đang là Tổng thống Azerbaijan; ông Kaysone Phomvihane của Lào; ông Heng Samrin của Campuchia.

Tới Đại hội VII, khi ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, thay ông Nguyễn Văn Linh, tôi cũng được tham dự, trên cương vị Phó Đại sứ. Việt Nam thông qua hàng loạt quyết định cực kỳ quan trọng liên quan đến tương lai của đất nước, đặc biệt là việc áp dụng những chính sách đổi mới, khi Việt Nam đã nhận thấy sự thay đổi phức tạp trên hành tinh chúng ta.

Tôi nghĩ từ Đại hội VI, Việt Nam đã nhìn thấy một tương lai khác, đã quan tâm đến việc làm thế nào để bảo vệ, làm giàu cho dân tộc, làm thế nào để phát triển đất nước. Mở cửa về kinh tế và chính trị đã mang lại cho Việt Nam những thành quả đáng ngưỡng mộ.

Sau khi đi làm tại nhiều quốc gia khác nhau, số phận và "cái duyên" đã đưa tôi quay lại Việt Nam lần nữa, cuối năm 2009, trên cương vị Đại sứ Palestine, và được tham dự Đại hội XI của Đảng. Lúc đó, cả thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Việt Nam cũng đã xử lý rất thông minh những khó khăn mà cả khu vực và thế giới đang phải đối mặt để đưa đất nước tiếp tục phát triển, cân đối giữa sự phát triển kinh tế và văn hóa để bảo vệ những đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là dịp Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Ông thấy đâu là những điểm tương đồng, và đâu là những khác biệt trong đường lối của Việt Nam qua các kỳ đại hội?

- Một điều tôi thấy ở tất cả các đại hội của Việt Nam là với chính sách đối ngoại, Việt Nam có một nền độc lập thực sự. Việt Nam không phải là thành viên của bất cứ liên minh nào. Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trên một nguyên tắc rất rõ ràng là không sử dụng bạo lực đe dọa, nguyên tắc là phải sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng, nguyên tắc là phải hợp tác cùng có lợi và phát triển để tồn tại. Những nguyên tắc đó, tôi thấy được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Chính vì vậy, Việt Nam ngày càng được sự tôn trọng của các quốc gia và ngày càng có vị trí trên bản đồ chính trị của thế giới.

 

Lãnh đạo Việt Nam đều là những cán bộ được Đảng đào tạo

- Ông nói đã có điều kiện quan sát Việt Nam trong suốt quá trình đổi mới từ sau chiến tranh. Ở vị trí người quan sát, Đại sứ nhận xét như thế nào về sự thay đổi  của Việt Nam 35 năm qua?

- Nếu nói về vấn đề này thì tôi có thể viết cả một cuốn sách. Tôi đã đến Việt Nam khi đất nước này ở vào giai đoạn khó khăn nhất, những năm 1980. Khi đó tôi mới 19 tuổi, đến Hà Nội, thấy thành phố rất xinh đẹp, hiền hòa, nhưng dân Việt Nam sống cực khổ quá. Tôi thậm chí thấy không thể tin và không thể lý giải vì sao người Việt Nam có thể sống khổ như vậy.

Tất cả mọi người dân Việt Nam khi đó đều như nhau cả. Nam giới thì ai cũng mặc một chiếc quần kaki với sơ mi màu trắng. Phụ nữ thì mặc quần lụa đen với sơ mi và đội một chiếc nón. Người nào cũng đi xe đạp, đi làm từ sáng và đều mang theo một chiếc cặp lồng đựng thức ăn. Người dân ốm không có thuốc men để uống, không có gạo để ăn. Du học sinh như chúng tôi lúc đó sinh hoạt còn khá hơn nhiều vị lãnh đạo Việt Nam, vì chúng tôi rất được tạo điều kiện.

 

Đại sứ Palestine tại Việt Nam là nhà ngoại giao duy nhất có 3 lần tham dự Đại hội Đảng tại Hà Nội.

 

Vậy mà giờ Việt Nam có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào mùa vụ. Việt Nam giờ cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều hải sản, nông sản nhất thế giới.

Tôi cũng nhớ Hà Nội những năm 1980, nhà cao nhất cũng không thể quá 5 tầng, còn giờ, Hà Nội cũng như TPHCM đã có nhiều tòa nhà cao nhất nhì Đông Nam Á. Đấy cũng là hình ảnh của thành công, của cố gắng.

Chỉ trong vòng 35 - 36 năm đổi mới mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu nhìn ra, so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng làm việc, từng sống ở đó… thì rõ ràng là sự thành công.

- Mai  là ngày khai mạc chính thức Đại hội XIII của Đảng  Cộng sản Việt Nam. Dự  Đại hội lần này, ông quan tâm đến vấn đề gì và kỳ vọng gì ở Đại hội, với tư cách một nhà ngoại giao?

Tôi khác với các Đại sứ nước ngoài khác ở Việt Nam. Họ quan tâm đến nhân sự.

Về nguyên tắc, nhân sự luôn đóng một vai trò quan trọng để xác định đường đi của Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng đây không phải là vấn đề quan trọng nhất, vì từ trước đến nay, dù ai lãnh đạo Việt Nam, thì lợi ích của dân tộc là thống nhất. Sau nữa, đó đều là những cán bộ đã được Đảng đào tạo từ khi mới 20 - 30 tuổi, chứ không phải ai đó tự nhiên "nhảy dù" vào. Cho nên, dù ai là người đứng đầu, Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại của mình là thúc đẩy các mối quan hệ với các quốc gia, mở rộng phát triển quốc tế cùng có lợi trên cơ sở nguyên tắc.

Là một chính trị gia, tôi nghĩ thế giới hiện nay đang rơi vào tình trạng không ổn định. Chúng ta đang trải qua một giai đoạn quá độ, và giai đoạn quá độ của nhân loại có mức độ nguy hiểm chúng ta không thể lường trước được.

Hãy nhìn lại 1 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng bổ trên thế giới. Khác biệt là GDP của Việt Nam đã tăng hơn 2% trong lúc các quốc gia lớn của Châu Âu, Châu Mỹ không có được một điểm phát triển nào. Và trong bối cảnh đó, nền sản xuất và hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục đảm bảo được cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, người lao động không thất nghiệp. Các công ty nước ngoài cũng vẫn hoạt động tại Việt Nam, không vấn đề gì.

Cho nên, Đại hội Đảng lần này của Việt Nam cần làm thế nào phải kế thừa sự phát triển kinh tế, sự phát triển văn hóa, đồng thời cần phải ưu tiên nhìn thế giới bằng sự quan tâm, nhận thức rằng chúng ta không lường trước được những biến động. Việt Nam cần tiếp tục bảo vệ môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn, giữ gìn hòa bình và tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia trên nguyên tắc rõ ràng, kiên định…

- Xin cảm ơn Đại sứ!

 
Nguồn báo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-dai-su-3-lan-du-dai-hoi-dang-viet-nam-da-tao-duoc-su-khac-biet-20210125085400781.htm