Asset Publisher

Công tác đối ngoại thành phố Hà Nội và một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân giai đoạn 2021-2025
Publish date 02/11/2021 | 9:45 AM  | View count: 3456

Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đã gây nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống và giao lưu quốc tế. Công tác đối ngoại của thành phố Hà Nội trong giai đoạn đầu chịu ảnh hưởng đáng kể khi phần lớn các hoạt động giao lưu quốc tế bị ngưng trệ hoặc phải chuyển đổi hình thức.

Việc trao đổi thông tin giữa thành phố Hà Nội và các đối tác, bạn bè quốc tế được đảm bảo phù hợp với thông lệ ngoại giao, tuy nhiên chưa đạt nhiều hiệu quả tích cực như mong muốn. Nhiều chương trình, sự kiện phối hợp với các Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các địa phương nước bạn đã được xây dựng kế hoạch phải hủy bỏ và hoãn lại.

Với tinh thần chủ động thích ứng, tích cực, sáng tạo, bước sang năm 2021, công tác đối ngoại Thủ đô đã được định hướng tập trung triển khai với phương hướng, hình thức đổi mới, đa dạng hơn để vừa đảm bảo hiệu quả thực hiện và phù hợp với định hướng và tình hình thực tế. Thành phố tập trung nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ quản lý đối ngoại thường xuyên, nhằm phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời đẩy mạnh những mối quan hệ truyền thống, các dự án, chương trình hợp tác đang được triển khai từ trước. Thành phố cũng đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý về công tác đối ngoại trên địa bàn, đồng thời phát huy và huy động tối đa các nguồn lực sẵn có, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói chung giai đoạn bình thường mới. Tất cả điều này thể hiện sự sẵn sàng và đổi mới của đối ngoại Thủ đô trong bối cảnh mới hiện nay. Nên dù còn nhiều khó khăn nhưng đối ngoại Thủ đô vẫn ghi dấu kết quả ấn tượng trên một số mặt công tác.

  1. Công tác đối ngoại của Thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19

Các hoạt động đối ngoại song phương với thủ đô, thành phố, địa phương các nước có quan hệ truyền thống, các đối tác chiến lược tiếp tục được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức linh hoạt, sử dụng hiệu quả kênh trao đổi trực tuyến: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động đối ngoại, tổ chức các cuộc họp trực tuyến để thúc đẩy thông tin, trao đổi, tiêu biểu như cuộc họp giữa lãnh đạo UBND Thành phố với Hội đồng vùng Nam Ostrobothnia, Phần Lan; cuộc họp giữa kỳ về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp,…; Tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế trực tuyến do các nước tổ chức như Hội nghị Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ 2021 của Hiệp hội quốc tế Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ (AIMF), Hội nghị cấp cao Thành phố châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13,… Lãnh đạo Thành phố đã tiếp và làm việc với 35 đoàn khách quốc tế trao đổi về hoạt động, dự án hợp tác và định hướng triển khai giữa Hà Nội và các đối tác.

Ảnh 1. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao quà của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng Nhân dân Thủ đô Viêng Chăn và 8 khu vực Bắc Lào

Về đối ngoại đa phương, thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức quốc tế liên đô thị: Nhóm các thành phố tiên phong về ứng phó với biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN).

Về hoạt động hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19, thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trên tinh thần chủ động, nỗ lực huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch của thành phố Hà Nội, Sở Ngoại vụ đã trao đổi, phối hợp với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước tham gia vận động, kêu gọi hỗ trợ của các đối tác nước ngoài cũng như triển khai các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Việc hỗ trợ cho địa phương các nước bạn đã được triển khai kịp thời bao gồm ủng hộ nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 cho thủ đô Viêng Chăn, 08 tỉnh Bắc Lào; cũng như gửi tặng 2.000 tấn gạo cho nhân dân Thủ đô La Habana (Cuba) với mong muốn chia sẻ phần nào những khó khăn của địa phương các nước bạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Hà Nội, địa phương các nước bạn đã dành sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch, tiêu biểu như Thủ đô Viêng Chăn (Lào); thành phố Quảng Châu (Trung Quốc); tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); vùng Nam Ostrobothnia (Phần Lan).

  1. Dấu ấn công tác đối ngoại nhân dân

Kết quả hoạt động đối ngoại 9 tháng đầu năm 2021 cũng ghi dấu những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân, trong đó khẳng định nỗ lực của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố trong việc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối hữu nghị nhân dân.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn của dịch bệnh Covid-19, đối ngoại nhân dân đã phát huy được hiệu quả với những chương trình, hoạt động kịp thời, thiết thực, có ý nghĩa. Các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, nâng cao hiệu quả chính trị nhằm giúp nhân dân các nước hiểu hơn về Việt Nam và đồng tình, đoàn kết, ủng hộ Việt Nam; vận động viện trợ và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để góp phần phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như hỗ trợ người dân, những hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh 2. Chương trình “Đoàn kết chống dịch” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức

Các hoạt động phối hợp với đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế được triển khai thường xuyên, giúp huy động tối đa các nguồn lực. Các đại sứ quán, tổ chức quốc tế đã sát cánh tích cực đồng hành cùng thành phố Hà Nội trong việc nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 09/2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức chương trình “Đoàn kết chống dịch” hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài những hoạt động hỗ trợ người dân trong nước, ghi nhận nhiều hoạt động hỗ trợ cho bạn bè quốc tế của các Hội hữu nghị thành viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội cũng đã triển khai, tiêu biểu như Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hà Nội đã tặng Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, và hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho nước bạn Campuchia; Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã tham gia ủng hộ nhân dân Ấn Độ chống dịch Covid-19;…

Qua những hành động đẹp và việc làm có ý nghĩa nói trên, vai trò của các đoàn thể, tổ chức hữu nghị trong công tác đối ngoại nhân dân của Thành phố Hà Nội đã được phát huy cao độ, thể hiện cao truyền thống "tương thân tương ái", tinh thần đoàn kết, sẻ chia, hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn chiến thắng đại dịch. Những hoạt động này cũng góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị với nhân dân các nước, tô đẹp thêm hình ảnh Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống nhân văn, một điểm đến an toàn thân thiện đối với đầu tư và du lịch, nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô.

  1. Các giải pháp đẩy mạnh đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới

Giai đoạn mới 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng. Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, đã đề ra các nghị quyết mới nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng có những điểm mới, tập trung vào việc tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển; đổi mới sáng tạo, xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô.

Với công tác đối ngoại nhân dân, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt theo Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cơ quan và nhân dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.

Ảnh 3. Hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân thành phố Hà Nội

           Trên cơ sở quán triệt tinh thần chỉ đạo và mục tiêu đó, Sở Ngoại vụ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng với Ủy ban MTTQ Thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố để không ngừng đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân. Theo đó, một số giải pháp đề xuất, cụ thể:

- Thứ nhất, Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương, Thông tri 04 của Thành ủy về công tác đối ngoại nhân dân, Chỉ thị 38-CT/TW ngày 19/09/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong tình hình mới nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, định hướng triển khai công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới.

- Thứ hai, Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại nhân dân theo hướng cụ thể và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong mọi lĩnh vực, đề cao tính hiệu quả, gắn với lợi ích kinh tế, xã hội của Thành phố, của địa phương; đáp ứng với yêu cầu công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Kế hoạch hoạt động đối ngoại của Thành phố, phù hợp với tình hình thực tiễn về chính trị, xã hội trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết, dự báo, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, góp phần đề xuất xây dựng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.

- Thứ ba, Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân với các cơ quan, đơn vị Trung ương và Thành phố trong việc triển khai công tác đối ngoại nhân dân. Việc mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân phải gắn với mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch... Phát huy vai trò của Liên hiệp trong các hoạt động, sự kiện giao lưu quốc tế, kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.

Phát huy truyền thống tốt đẹp, bản lĩnh và năng lực của đội ngũ cán bộ đối ngoại, kịp thời thích ứng với biến chuyển mới, tin tưởng công tác đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò đoàn kết, hữu nghị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, huy động sức mạnh tổng hợp của người dân và bạn bè quốc tế, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của Thủ đô trong giai đoạn mới.